Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Học cưỡi ngựa ở Sài Gòn

Những năm gần đây, phong trào học cưỡi ngựa trong giới trẻ Tp. Hồ Chí Minh phát triển khá mạnh, nhất là khi có sự ra đời của  Saigon Pony Club, một câu lạc bộ (CLB) hướng dẫn kĩ thuật cưỡi ngựa do chính các huấn luyện viên nước ngoài trực tiếp giảng dạy.

< Những chú ngựa đua của CLB Saigon Pony.

CLB Saigon Pony nằm trên đường Lê Văn Thịnh, Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh là nơi dạy đua ngựa có sự hướng dẫn của các huấn luyện viên nước ngoài. Câu lạc bộ có gần 130 học viên theo học với đủ lứa tuổi khác nhau. Trong đó, 90 % là người nước ngoài đến từ các nước Anh, Pháp, Mỹ, Đức…đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Các học viên được huấn luyện viên người Pháp Amaury Le Blan cùng các đồng nghiệp trực tiếp giảng dạy. CLB này ra đời cách đây 10 năm và được Amaury mua lại để tu sửa thêm và hoạt động cho tới bây giờ.

< Người quản ngựa thắng yên cương chuẩn bị cho buổi tập.

Huấn luyện viên Amaury Le Blan vốn làm quen với ngựa từ nhỏ ở gia đình bên Pháp. Anh đã tham gia nhiều cuộc thi cưỡi ngựa và làm kị binh một năm trong quân đội. Huấn luyện viên Amaury làm việc cho Công ty Franco Pacific. Anh đến Việt Nam theo làn sóng đầu tư nước ngoài đầu tiên vào đầu những năm 1990.

< Cô bé đang tìm cách làm quen với chú ngựa.

Trước khi vào sân tập, học viên phải đội mũ bảo hiểm, mang giày cổ cao hoặc giày thể thao. Sau khi được huấn luyện viên kiểm tra kĩ lưỡng các trang thiết bị bảo hộ, học viên mới được phép vào trường tập.

< Huấn luyện viên Amaury Le Blan hướng dẫn các học viên nhí tư thế ngồi trên lưng ngựa.

Lúc này, các nhân viên của CLB sẽ dẫn những chú ngựa được thắng yên chắc chắn vào sân và họ sẽ ở cạnh học viên trong suốt buổi học để giữ cương và giữ thăng bằng cho các em.

< Bài học đầu tiên của các cô bé, cậu bé là biết cách ngồi thật vững trên lưng ngựa.

Hiện tại, Amaury đang nuôi dưỡng 20 con ngựa. Tất cả số ngựa này đều được anh mua về từ Củ Chi, Long An (những nơi có tiếng trong việc cung cấp ngựa đua từ trước tới nay) với giá vài triệu cho đến vài chục triệu đồng/con.

< Tiếp đến là bài tập với động tác xoay mình trên lưng ngựa.

Tại đây có hai sân tập rộng 600m2 và 1.000m2 dành cho hai trình độ: mới tập và điều khiển thành thục các động tác. Trước khi đến với các buổi thực hành, Amaury thường giảng lí thuyết khoảng 10 đến15 phút để các học viên có thể dễ dàng nắm bắt được các kĩ thuật cũng như đặc tính của ngựa khi ngồi trên lưng, nhằm tránh rủi ro khi luyện tập.

< Bé Kha Nhi 8 tuổi theo học đua ngựa ở CLB Saigon Pony đã hơn 1 năm.

Để có thể tự điều khiển ngựa một cách thuần thục, học viên phải tập luyện 2 buổi/tuần trong thời gian tối thiểu là 6 tháng. Với kĩ thuật cưỡi ngựa vượt chướng ngại vật, học viên phải có thời gian tập luyện hơn một năm, thậm chí ba đến bốn năm mới có thể làm được, vì các kĩ thuật này có độ khó rất cao.

Nhìn bé Kha Nhi mới 8 tuổi ngồi trên lưng ngựa làm các động tác khởi động như xoay tay, xoay vai, đầu, cổ, làm dẻo lưng, hông.. trông thật đáng yêu.

< Giờ đây bé đã có thể tự tin điều khiển chú ngựa phi khá nhanh.

Sau khi khởi động xong, cô bé điều khiển ngựa rẽ trái, rẽ phải, chạy nhanh… theo hiệu lệnh của huấn luyện viên Amaury Le Blan một cách thành thục đến không ngờ. Kha Nhi nói: "Em đã học cưỡi ngựa được hơn 1 năm rồi. Em rất thích tự tay điều khiển được chú ngựa theo ý muốn của mình”.

< Để có thể phi ngựa nước đại như bạn trẻ này, các học viên phải tập luyện 2 buổi/tuần trong thời gian tối thiểu là 6 tháng.

Cưỡi ngựa là môn thể thao đòi hỏi người chơi phải biết tương tác với con vật. Người cưỡi ngựa học rất nhiều từ ngựa, từ cách ngồi thoải mái trên lưng ngựa cho đến việc phải hiểu tính nết của nó để điều khiển theo ý mình. Chính sự tương tác này giúp các học viên biết ứng xử bình tĩnh và kiểm soát tình huống tốt hơn.

< Với cú nhảy vượt rào khá điệu nghệ này học viên phải mất công luyện tập từ 1 năm trở lên.

Ngồi ngoài sân quan sát các học viên cưỡi ngựa, chúng tôi cảm nhận được sự phấn khích của các em và cả những phụ huynh. Thỉnh thoảng những tràng vỗ tay lại rộ lên động viên các em hoàn thành tốt một động tác. Kết thúc buổi học, các cô bé, cậu bé lại vuốt ve, vỗ về chú ngựa của mình như một người bạn thân. Thế mới biết các em yêu loài vật như thế nào.

Du lịch, GO! - Theo Vnanet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét