Ngoài những hang động, những ngọn núi hùng vĩ, các ngôi chùa linh thiêng... Hà Nam còn được biết đến với làng Vũ Đại trong Chí Phèo của nhà văn Nam Cao.
Di Chuyển
Phần di chuyển này chỉ nói điểm bắt đầu từ Hà Nội. Các bạn ở các tỉnh phía Bắc có thể tham khảo hành trình tại bến xe mỗi tỉnh, riêng các bạn ở miền Nam hay miền Trung, chịu khó xem lịch trình xuất phát từ Hà Nội.
.
- Bằng phương tiện công cộng
Xe bus chạy tuyến Hà Nội - Phủ Lý xuất bến từ bến xe Giáp Bát có tần suất 15 phút/chuyến.
Đến nơi thì thuê xe ôm, taxi hay xe máy tham quan, khám phá các điểm.
- Bằng phương tiện cá nhân
Từ Hà Nội theo đường QL 1A để đến Phủ Lý (Hà Nam). Lưu ý khi đi chuyển bằng phương tiện cá nhân cần mang đầy đủ giấy tờ xe, tuân thủ luật an toàn giao thông đường bộ. Mang theo điện thoại có trang bị google map để tiện định hướng.
Đến vào thời điểm nào?
Ngoài vẻ đẹp gần như không thay đổi theo thời gian, Hà Nam còn quyến rũ du khách với hàng loạt lễ hội rải rác ở các tháng. Vì thế, bạn có thể đến Hà Nam vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Bên cạnh đó, muốn tham gia lễ hội nào, bạn có thể tra cứu thông tin về ngày, giờ, địa điểm để có lịch trình tham quan thích hợp.
Khách sạn, nhà nghỉ
Khu vực trung tâm Phủ Lý gồm các tuyến đường sau, các bạn căn cứ vào đó để thuê khách sạn tiện cho việc di chuyển: Lý Thường Kiệt, Lê Hoàn, Đinh Tiên Hoàng. Lưu ý gọi điện đặt trước để tránh tình trạng đến mà không có phòng.
Một số nhà nghỉ, khách sạn bạn có thể tham khảo như khách sạn Hòa Bình, Bình Minh, nhà khách 30 Tháng 4...
Đặc sản Hà Nam
Đặc sản ở đây hầu hết là các món thưởng thức tại chỗ như cá kho làng Vũ Đại, bánh cuốn hoa cải, ốc đồng, bánh đa kê, mắm cáy (Bình Lục), bánh đa nem Nguyên Lý (Lý Nhân), các món ngon từ cá diếc...
Ngoài ra, bạn có thể thưởng thức một số món ngon tại thành phố Phủ Lý như chè cụ Phóng gần bệnh viện Đa Khoa TP, cạnh đó là quán bún đậu mắm tôm (chỉ mở buổi chiều). Quán bánh trôi, bánh chay ở cổng trường Chuyên.
Địa điểm tham quan
Nhắc đến Hà Nam, du khách nghĩ ngay đến hàng loạt những ngọn núi nổi tiếng như núi Ngọc, núi Cấm, Bát cảnh sơn. Trong đó, nếu núi Ngọc thu hút du khách ở cảm giác tách mình khỏi sự ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống, hòa mình vào thiên nhiên, cây cỏ khi đứng trên đỉnh núi thì núi Cấm mang vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của ngọn núi không có sự can thiệp, chặt phá của con người.
Nổi bật nhất trong 3 cụm núi là Bát cảnh sơn, dãy núi 8 cánh với sự hiện diện của 8 ngôi chùa và một ngôi đền được xây theo thuyết bát quái ngũ hành gồm đền Tiên Ông (đền Ông), chùa Ông, chùa Tam Giáo, chùa Kiêu, chùa Bà, chùa Dâu, chùa Cả, chùa Bông, chùa Vân Mộng. Tiếc rằng, cho đến nay, 6 trong 8 ngôi chùa kể trên đã bị san bằng. Tuy vậy, thế uy nghiêm của núi rừng, của những ngôi chùa còn lại vẫn tạo thành một quần thể vừa linh thiêng, vừa hùng vĩ.
Sau khi khám phá màu xanh của hai ngọn núi trên, bạn sẽ bị chinh phục bởi những khối đá xếp chồng lên tạo thành những bộ phận khác nhau của con rồng ở ở núi Chùa. Có khối lởm chởm như đầu con rồng, có mỏm chơ vơ trên đỉnh như sừng rồng, nhiều mỏm dựng ngược như tóc rồng… Tại núi Chúa, ngoài việc men theo các bậc thang đá lên đỉnh núi bao quát phong cảnh hữu tình của sông Đáy, núi Bút Sơn, thành nhà Hồ, núi rừng Thanh Thủy… bạn còn có thể men theo đường mòn nhỏ vào tham quan và khám phá động Phúc Long.
Nhắc đến hang động tại Hà Nam, không ai có thể bỏ qua Kẽm Trống với số lượng hang động nhiều đến khó tin. Điểm đặc biệt là các hang động tại Kẽm Trống thường đánh lừa du khách với những miệng hang nhiều khi chỉ là những kẽ nứt nhỏ, nằm ẩn sau những tảng đá to. Song khi vào bên trong mới thấy có hang xuyên hẳn qua núi, có hang có thạch nhũ rủ xuống tuyệt đẹp. Ngũ Động Sơn, một dãy động liên hoàn có chiều dài hơn 100m trong lòng núi Cuốn Sơn với bức tranh thạch nhũ huyền ảo cũng là trải nghiệm thú vị của chuyến đi.
Sau khi rã chân trong việc chinh phục các ngọn núi, hang động, bạn có thể tận hưởng những giây phút thư giãn trên thuyền ở ao Dong. Tại đây, bạn có thể tha hồ ngắm bức tranh sơn thủy hữu tình của những quả núi cao in bóng trên mặt hồ hay luồn lách trong hang Luồn, ngắm các nhũ đá kỳ lạ và nghe tiếng nước rỏ tí tách.
Ngoài ra, nhắc đến Hà Nam, người ta còn nhắc đến hàng loạt ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng như chùa Bà Đanh, chùa Phật Tích, miếu thờ Đức Ông hay hàng loạt các làng nghề truyền thống lâu đời như làng thêu An Hòa, làng dệt lụa Nha Xá, đan mây tre ở Ngọc Động, làng nghề trống Ðọi Tam…
Mang gì khi đến Hà Nam?
Quần áo gọn gàng, giày dép bệt để tiện di chuyển, khám phá núi hay chinh phục các hang động.
Mang theo áo khoác, mũ, khẩu trang, kem chống nắng.
Mang theo kem chống muỗi, thuốc trị côn trùng, các thuốc trị các bệnh thường gặp.
Mang theo lều, mền, nồi nếu có ý định cắm trại.
Các cung đường thường gặp
Sài Gòn/Hà Nội – Hà Nam – Nam Định
Sài Gòn/Hà Nội – Hà Nam – Nam Định – Thanh Hóa
Sài Gòn/Hà Nội – Hà Nam – Hưng Yên – Hà Tây
Du lịch, GO! - Theo Infonet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét