Trong những ngày đầu hè nắng nóng gay gắt với nhiệt độ tăng cao, nhiều người đã đổ xô đi tắm biển hóng mát. Với lợi thế bãi biển hoang sơ và gần TP. Quảng Ngãi nên bãi biển Tân An xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) đang là điểm đến hấp dẫn du khách.
Hoang sơ nơi bãi tắm
Từ TP. Quảng Ngãi vượt khoảng 11km xuôi theo con đường nhựa xuống xã Nghĩa Hòa rồi rẽ trái men con đường bê tông vượt cầu qua sông Tân Mỹ là đến bãi tắm Tân An. Nắng chiều đổ vàng trên bãi biển, từng dòng người tấp nập đổ về...
Từ đằng xa, nhìn về bãi biển Tân An, thấy một màu xanh của cây dương liễu nằm bên mép biển xanh rì. Từng con sóng vỗ nhẹ lăn tăn vào bờ cát nhấp nhô. Du khách đến đây tha hồ lội trong cát trắng, rồi thả mình vào dòng nước biển xanh, tha hồ ngắm mây trời trong vắt. Mọi sự mệt mỏi của cuộc sống bon chen, nóng bức hàng ngày như tan biến...
Tắm xong du khách đến những quán bình dân mà ở đó các bãi đậu xe chen nhau mọc lên ngang dọc. Khi những tia nắng cuối ngày chìm xuống rặng núi đằng tây, du khách bước vào bất kỳ quán nào cũng được chào mời bằng những câu chân chất, mộc mạc của những người mẹ, người chị quanh năm chỉ biết đan lưới, nuôi con, nay tập tành buôn bán.
Chị Mai Thị Nhị, đang khui vội chai nước cho khách, bảo: "Bán được hơn tháng nay rồi. Bãi biển còn hoang sơ nhưng đã thu hút du khách đổ về thưởng thức cảnh thiên nhiên, các món hải sản còn tươi nguyên đánh bắt từ biển, từ sông cạnh bên". Bình quân mỗi ngày chị Nhị bán được hơn 1 triệu đồng. Riêng ngày mùng 5 tết Đoan Ngọ vừa qua, chị bán được 5-6 triệu đồng".
Kiếm được vài trăm ngàn trong ngày là điều mà chị Nhị chưa bao giờ dám nghĩ. Bởi, kể từ ngày có chồng, chị chỉ ở nhà trông nom bọn nhỏ và lo vun vén gia đình. Năm 2006, chồng và con trai của chị mất trong đợt bão ChanChu, để lại cho chị nỗi đau cùng nỗi lo cuộc sống cho 4 người con.
Nước mắt chưa kịp khô, chị đã bươn chãi nhiều việc nhưng đồng tiền kiếm được từ bán bún, bán cá dạo chỉ đủ đổi gạo qua ngày. Thế là hai con đầu của chị phải nghỉ học giữa chừng để đi biển... Giờ, nhờ bãi tắm này mà chị mở quán bán kiếm tiền cho hai bọn nhỏ ăn học.
Ở cạnh quán chị còn có nhiều dãy hàng bán cháo vịt, ốc gạo, nước mía... Bà Phạm Thị Lưu bán vài lon ốc cho khách, phấn khởi: "Hàng ngày hai bà cháu bắt ốc, mò cua trên dòng sông Tân Mỹ được 5 -10 lon là chờ các tiểu thương chèo ghe đến mua. Có hôm bắt được ít quá, họ để dồn lại đến hai ba hôm mới đến cân thì ốc chết khá nhiều. Hơn 1 tháng nay, du khách đổ về bãi biển này tắm mát, già thấy bà con "trổ" quán bán nhiều, già cũng nấu ốc đem bán thử sao. Nào ngờ bán rất chạy nên ngày nào hai bà cháu cũng cố gắng sáng đi mò ốc, chiều nấu bán đổi gạo".
Những chủ quán "con con" chủ yếu là những người quanh năm buôn gánh bán bưng, hay làm bá nghề như mò cua, bắt ốc, cào don trên các dòng sông. Đa số họ là những người mẹ, người vợ của những ngư dân bị mất trong đợt bão ChanChu năm 2006. Buổi sáng họ lo việc nhà cửa, cứ 2 giờ chiều là họ đến bãi biển dựng lều.
Tuy họ chưa quen với cách chào hỏi, đon đả đón khách, nhưng sự lịch thiệp của họ được thể hiện bằng những câu mời mộc mạc, chân chất đã thu hút lòng người. Tiếng lành đồn xa, du khách đổ về bãi biển Tân An ngày càng nhiều. Quán nước, quán ăn, bãi để xe cứ thế mọc lên khá dày.
Một du khách cao to vừa mới bước lên bờ, nước chưa kịp ráo trên người đã ngồi xòa vào chiếc ghế nhựa đặt sẵn ở mé biển, gọi: "Cho con tô don dì hai". Đôi bàn tay nhăn nheo, chai sần của bà Cao Thị Lâu bưng tô don đặt xuống bàn, bảo: "Cậu phải thử liền khi còn nóng mới biết được mùi vị của con don ở vùng nước quê hương này".
Bà Lâu cũng như bao số phận phụ nữ ở làng chài Tân An. Năm 2006, chồng mất trong đợt bão ChanChu, một mình bà phải bươn chải nuôi 5 người con. Bất kỳ việc gì, từ buôn gánh bán bưng hay cào cát, sạn, bắt ốc trên các dòng sông bà đều trãi qua. Có những hôm, nước cạn trơ cồn cát, ốc hiếm, bà Lâu cào chảy máu tay mà cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng từ bán ốc.
Kể từ ngày có khách về bãi biển, bà đã mượn vội bà con vài trăm ngàn đồng mở quán bán nước, bán don, ốc. Giá ốc, don theo đó có giá thành cao hơn bán cho các tiểu thương. Hơn 1 tháng nay bà có thu nhập nhẹ nhàng.
Bãi biển tự phát
Ông Ngô Thành Linh - Trưởng thôn Tân An, cho biết: Đến thời điểm này đã có 30 quán buôn bán các dịch vụ trên bãi biển này. Bấy nhiêu vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho lượng khách đổ dồn về nơi này tắm biển, thưởng thức các món hải sản, tôm, mực biển, cá câu còn tươi nguyên...Nhiều chị em muốn mở thêm quán nhưng do tự phát nên bãi biển còn khá lộn xộn. Chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo an ninh đợi đến ngày xã quy hoạch tổng thể để đưa bãi biển vào hoạt động có nề nếp.
Ông Trần Ngọc Xôn - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An, cho biết: Xã đã thống nhất trích kinh phí từ nguồn chương trình bãi ngang ven biển để đầu tư quy hoạch bãi biển. Trước mắt là xây dựng tuyến đường bê tông với chiều dài 800m chạy dọc bãi biển và san ủi mặt bằng, với chiều ngang 50m. Trên cơ sở này xã phân 100 lô cho bà con mở quán buôn bán.
Bên cạnh đó, xã đã tính đến chuyện thành lập tổ bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, tổ cứu nạn cứu hộ; đồng thời cắm biển cảnh báo những khu vực nguy hiểm để du khách phòng ngừa. Những dự định sẽ hoàn thành trong năm nay, để bãi biển Tân An đi vào hoạt động hiệu quả, an toàn. Trước mắt, xã đã thành tổ cứu nạn cứu hộ để phòng khi bất trắc xảy ra.
Du lịch, GO! - Theo Mai Hạ (báo Quảng Ngãi), ảnh internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét