Nhìn từ đất liền, Cù Lao Câu như một chiến hạm bằng đá, đủ các hình khối kỳ lạ. Nước trong nhìn thấy đáy, cá lội nhởn nhơ.
Đắm mình trong vẻ đẹp hoang sơ của Cù Lao Câu - hòn đảo ở xã Phước Thể, cách Phan Thiết 100km - sẽ là một niềm vui không nhỏ với những người thích khám phá.
< Cù lao Câu như một chiến hạm giữa biển.
Bơ vơ ga Mường Mán
Chuyến đi không hẹn trước, không dự định, không kế hoạch, chỉ là tình cờ nghe tin có 28 bạn phượt Sài Gòn đang tiến về Phan Thiết để ra đảo Cù Lao Câu, thế là con tim tôi đã đủ xốn xao, rạo rực. Không kìm nén được nữa.
Chỉ mấy cú điện thoại kết nối, cô bạn Nha Trang đã kiếm được hai chàng xế trong đoàn Sài Gòn đó; và thế là không hẹn mà đến, Cù Lao Câu ơi, đi ngay đây! Ga tàu Nha Trang bé nhỏ, ngó vào trong, thấy một căn phòng chật hẹp đã đông người.
Nắng tháng Tư vậy mà đã cháy da thịt, cho dù ở nơi này có gió biển dội về. Đã quá lâu, tôi mới lại có cảm giác đi tàu.
Những chuyến tàu bao giờ cũng mang cảm giác buồn buồn vì tôi nhớ tới các cuộc chia ly trong bài thơ “Những bóng người trên sân ga”. Hơn nữa, vẻ cũ kỹ, xô bồ và mệt mỏi nơi bến tàu bến xe cũng là những vẻ thật nhất của cuộc sống, rất hay làm cho tôi thấy nao nao.
Tàu đã chuyển bánh. Tôi nhìn qua cửa tàu, cố gắng xem người Nha Trang trồng lúa ở đâu. Khi tàu đi qua những cánh đồng, vào buổi chiều tà, tiếng côn trùng kêu rỉ rả khiến tôi tưởng như tiếng ve kêu rầm rĩ trong những buổi trưa vắng của Hà Nội.
10 giờ đêm, chúng tôi tới ga Mường Mán, Phan Thiết. Cái tên Mường Mán tôi đã nghe từ thuở xa lắc xa lơ nào, từ tên của nhà văn Mường Mán và đến giờ, nửa đêm, chỉ còn hai cô gái đứng bơ vơ trên sân ga.
Đoàn còn đang mải chơi trên một bờ biển nào đó, không ai ra đón, tất nhiên rồi, chuyện thường thôi. Chúng tôi nhờ người gọi xe taxi, cũng phải đến 15 phút xe mới đến.
Từ đây vào đến khách sạn trung tâm dễ gần 15km, chúng tôi nhờ người bán hàng nước gọi giùm chiếc taxi Mai Linh. Đi tàu hỏa hết 90.000 mà đi taxi đến khách sạn hết gần 200.000. Thật là...!
Chòng chành thuyền thúng
Sau buổi đêm làm quen với nhau và nằm trên chiếc giường khá sạch sẽ, chung phòng với 10 cô gái, tôi đã dần dần quen với khái niệm du nhập cùng một đoàn phượt đông người. 5 giờ sáng, các cô gái Sài Gòn í ới gọi nhau. Đoàn bắt đầu lên đường sau khi chuyền tay nhau những cốc cà phê đen đá cho đỡ buồn ngủ.
Một buổi sáng khá hoàn hảo, tôi thầm nghĩ. Hai đứa tôi bắt tay làm quen với hai chàng xế. Trông khá bảnh. Ổn. Chỉ còn giải quyết chiếc mũ bảo hiểm của tôi bằng cách đi mua mũ của một ông xe ôm đang chờ khách ven đường. Chặng đường đi xe máy từ Phan Thiết chỉ còn 100km về hướng Đông Bắc.
Dọc đường đi, xế Bảo Anh chỉ cho tôi thấy những cánh đồng thanh long. Trong nắng sớm, những rặng thanh long trải dài lấp lánh. Đẹp, và bình yên.
Đã đến trung tâm xã Phước Thể, chúng tôi dừng lại để lấy đồ đạc và những chiếc phao đã được bạn thuê từ trước. Để ra được tới chiếc tàu to, mọi người phải dùng phương tiện thuyền thúng. Đây quả là một thử thách không nhỏ.
Nhiều người nhìn chiếc thuyền thúng chao đảo đã chóng mặt. Mặc áo phao vào, các cô nương được ngư dân đưa từng cô một lên thuyền thúng. Tất nhiên là không tránh khỏi sự la hét. Nhưng rồi cũng xong.
Cảm giác chòng chành khi ngồi trên thuyền thúng và nhìn người lái thuyền sử dụng mái chèo, chèo hình tròn rất lạ lẫm, vừa tò mò, vừa sợ hãi, lại vừa thích thú. Nếm thử các cảm giác, trải nghiệm với tất cả những gì có thể xảy ra, nếu chuẩn bị tinh thần như vậy, bạn sẽ chẳng quá ngại ngần.
Từ thuyền thúng để lên được tàu to, lại phải nhờ các bạn trai và ngư dân kéo lên. Đoàn chúng tôi chia làm hai tàu, rẽ sóng khoảng 40 phút, đã thấy đảo Cù Lao Câu phía trước.
“Cô độc quán”
Cù Lao Câu có chiều dài 1.500m, chiều rộng 700m, nơi cao nhất 7m. Người ta bảo nhìn từ đất liền, đảo như một chiếc chiến hạm bằng đá. Đảo toàn đá, đủ các hình khối rất kỳ lạ và đẹp. Nước trong văn vắt nhìn thấy đáy, cá lội nhởn nhơ trông rõ thanh bình.
Người lái tàu chờ chúng tôi xuống hết, vẫn đỗ sát bờ biển, anh từ tốn thả lưới rồi kéo lên. Chẳng phải đi đâu quá xa, chỉ ngay sát bờ với chiếc lưới đơn giản cũng tóm được ối cá.
Buổi chiều trên Cù Lao Câu mới sung sướng làm sao. Trời ơi, cứ như mình đang ở một thế giới khác. Mây mùa hè trắng bồng bềnh trên nền xanh. Những bông lau trắng cao hơn đầu người phất phơ trong gió. Trời cao lồng lộng, và biển xanh ngắt lăn tăn rì rào dịu êm.
Lang thang trên bãi biển, chúng tôi gặp một quán nước, về sau mới biết, những người khách đến trước đã gọi nó là “Cô độc quán”. Quán do lão Hữu - một ngư dân nhiều đời ở xã Phước Thể, gắn bó với đảo - lập ra. Mùa gió, nước nổi, quán bị dẹp lại, chờ đến mùa nước lặng, quán lại được dựng lên để phục vụ ngư dân qua lại uống miếng nước, ăn chút quà vặt. Gần đây, có khách du lịch nên quán còn thêm chức năng phục vụ các nhu cầu của khách như nằm võng, ẩm thực hải sản, tắm nước ngọt.
Lão Hữu là một người rất tâm huyết với đảo. Lão ước mong nơi này mau trở thành khu du lịch sinh thái, để cho đảo đẹp hơn, và người dân cũng nhờ thế mà thay đổi được cuộc sống. Rồi lão đọc thơ cho mọi người nghe.
Buổi chiều nằm đong đưa võng, chân trần chạm cát, gió biển thoảng qua, tiếng thơ của lão bập bõm mà tôi bỗng nghĩ vẩn vơ, chẳng biết cái ước mơ Cù Lao Câu trở thành khu du lịch sinh thái thì “Cô độc quán” có chỗ để tồn tại không nhỉ?
Yoga trên bờ biển
Đêm, chúng tôi đốt lửa bên bờ biển, làm món BBQ, và nô đùa. Những chiếc lều của dân du lịch được căng lên. Thế là tôi đã được ngủ qua đêm ngay sát biển. Một chút lo lắng về thủy triều. Lỡ đêm đang ngủ, thủy triều dâng lên thì sao? Không lo, các bạn đã tính kỹ hết rồi... Tôi thiếp đi cùng những người bạn, trong tiếng sóng mơ hồ đâu đây nhưng giấc ngủ vẫn khá êm đềm.
Đêm ở biển sao ngắn vậy. Chẳng mấy chốc, trời đã sáng. Mọi người rủ nhau dậy đi ngắm bình minh. Riêng tôi, ngồi ngái ngủ trên bờ biển làm cho tôi thấy mình sung sướng biết chừng nào.
Ngồi một mình với biển rộng mênh mông, không còn chỗ cho cảm giác cô đơn, mà chỉ là đắm chìm cùng vẻ đẹp của thiên nhiên. Bất ngờ tôi nhìn thấy đôi bạn trẻ đang tập yoga bên bờ biển, dưới ánh sáng nhiệm màu của nắng sớm, họ cùng hát câu “Baba nam, kevalam”. Họ thật biết hưởng thụ cuộc sống!
Du lịch, GO! - Theo Đẹp/Vietnam+ và nhiều nguồn khác
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét