Tỉnh Đắk Nông heo hút núi rừng. Các làng dân tộc Ê đê, Nùng, Tày, M’Nông, H’Mông... vẫn giữ đậm nét văn hóa riêng dù đã sống và làm việc cùng người Kinh ở các trung tâm huyện, thị trấn. Đến du lịch ở Đắk Nông, tôi đi tham quan ba ngọn thác bắt nguồn từ sông Sêrêpôk bởi những chuyện kể kỳ bí.
Trinh Nữ - yêu kiều như một nàng thơ
Bắt đầu khởi hành từ trung tâm huyện Cư Jút, chỉ đi hơn 3km trên con đường trải nhựa phẳng lì là đã đến thác Trinh Nữ. Nằm im lìm giữa không gian mây trời xanh ngắt, thác liên quan đến một câu chuyện tình cảm động đầy nước mắt của đôi trai gái yêu nhau mà không đến được với nhau. Để giữ trọn tình yêu, lòng thủy chung với người tình, cô gái gieo mình xuống dòng thác. Trước hành động dũng cảm ấy, người dân ở đây đã đặt tên Trinh Nữ cho dòng thác.
Nhưng khi hỏi thăm người dân, tôi chợt rùng mình khi được biết thêm hằng năm đều có một cô gái chết đuối ở đây. Lấy hết can đảm, tôi men theo những vách đá thẳng đứng tìm đường đi xuống thác. Dòng nước chảy xiết vào mùa mưa và những tảng đá lớn phủ rêu trơn trượt. Đó là một cái bẫy chết người nhưng không hề thấy biển cảnh báo nào cả. Nguyên nhân của những cái chết hằng năm có lẽ vì vậy chứ không như lời đồn thổi mê tín.
Thác Trinh Nữ đẹp bởi thác khá hiền hòa. Dòng nước êm đềm chảy len qua những tảng đá lớn trên mặt bằng phẳng chứ không có dòng đổ từ trên cao xuống. Bao bọc thác là những tảng đá marble (thạch anh) dạng cột to lớn.
Nằm bên phải hướng đi xuống thác là hai gian nhà rông cũ kỹ. Đập vào mắt du khách trên bậc thang bảy nấc là biểu tượng của chế độ mẫu hệ. Tiếc là thác còn quá hoang sơ, không có đội ngũ hướng dẫn thuyết trình về nhà rông cũng như chế độ mẫu hệ của người dân tộc vùng này dù nơi đây nhiều du khách nước ngoài cũng thường ghé thăm.
Dray Sap - tiếng gọi núi rừng
Từ thác Trinh Nữ trở ra chợ huyện Cư Jút, đi thêm 5km trên con đường dốc ngoằn ngoèo là đến thác Dray Sap (người Kinh nói chệch thành thác Bà La Sát vì đồn rằng thác này đã cướp đi sinh mạng của nhiều người). Thực tế, theo tiếng dân tộc Ê đê, Dray Sap có nghĩa là Thác Khói.
Có hai huyền thoại khác nhau kể về sự hình thành của thác. Một nói về một thiếu nữ Ê đê xinh đẹp tên là H’Mi bị con quái vật khổng lồ miệng ngậm nước sông phun thành vòi rồng bắt đi (chỗ tạo vòi rồng là dòng thác). Người yêu của nàng đau khổ hóa thành một cây to đâm rễ sâu vào tảng đá và tạo thành rừng cây bên dòng thác. Một nói về cả hệ thống thác Dray Sap và Dray Nu. Khi mẹ đất chuyển dạ, người anh là Dray Nu ra đời trước nhận những đức tính hiền hòa nhẹ nhàng của người mẹ.
Dray Sap ra đời sau nên thừa hưởng sự hùng dũng, oai nghiêm cũng rất dữ dội của người cha.
Như tên gọi Thác Khói, Dray Sap có độ cao ngất ngưỡng nên nước đổ xuống tạo thành dòng trắng xóa, hơi nước bốc lên mờ mờ ảo ảo như sương khói. Điều thú vị là rừng cây ở Dray Sap có những lối đi dẫn du khách lên được tới tận thượng nguồn của thác.
Ở Tây nguyên, có lẽ Dray Sap là dòng thác hùng vĩ nhất. Ngồi ở vị trí cao nhất thấy dòng nước chảy cuồn cuộn, xanh ngắt nắng trời. Cảm giác chinh phục và không khí trong lành làm du khách vô cùng khoan khoái. Thích hơn nữa là Dray Sap có một cái hồ gọi là hồ Tắm Tiên. Thực tế hồ này là một dòng suối trên vùng thượng nguồn. Khách đến tham quan có thể tắm nước suối mát lạnh ở hồ.
Gia Long - vẻ đẹp hoang sơ
Thác Gia Long nằm cùng tuyến với thác Dray Sap, hai thác cách nhau chừng 4km. Đường đến thác Gia Long quanh co và nhiều dốc lên xuống dựng đứng. Hai bên đường, hoa cỏ may trắng mọc thành bụi tạo cảm hứng đầy thơ mộng, hoang dã. Thác mang tên Gia Long vì xưa kia vua Gia Long đi kinh lý có ghé qua thác để du ngoạn. Và ngày nay thác vẫn còn lưu lại bàn cờ mà vua Gia Long từng sử dụng.
Thác còn rất hoang sơ, những vách đá và dây leo chằng chịt như một mê cung. Có một đường hầm nhân tạo thông giữa các con đường xung quanh, có những cây cầu treo được người Pháp xây dựng từ những năm 1930, những kè đá chắn lũ được coi là đẹp nhất Việt Nam cũng được xây cùng thời điểm.
Không thể nào tham quan hết ba ngọn thác huyền thoại của tỉnh Đắk Nông trong một ngày, nhưng nếu có dịp du lịch Đắk Nông bạn không thể nào bỏ qua một chuyến đi thăm các thác.
Du lịch, GO! - Theo Song Kỳ (TTO), ảnh internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét