Trong hành trình khám phá xuyên Việt mùa hè này, chúng tôi đã có những trải nghiệm thú vị ở phố cổ Hội An với những điểm homestay ấm cúng, lớp học nấu ăn và thưởng thức nhiều món ngon dân dã.
< Sứa tươi rói ăn dai dai dòn dòn, trộn với nhiều loại gia vị đặc trưng của phố cổ mang lại hương vị ngon tuyệt.
Trong những kỷ niệm ấy, nổi trội hơn cả vẫn là nỗi niềm hoài nhớ ẩm thực dân dã đậm đà của phố cổ và một cảm giác phải gọi là... phiêu diêu khi thưởng thức những món ăn ấy ngay bên sông Thu Bồn.
Điều thú vị nhất trong hành trình khám phá ẩm thực đất Hội An là việc tham gia lớp học nấu ăn dành cho du khách.
< Món bánh ướt cuốn nhân tôm, thịt, rau sống - món dân dã của người phố cổ đầu tiên tôi tự tay làm trong khóa học nấu ăn dành cho du khách ở Hội An.
Tôi nhập hội cùng đoàn du khách Tây đi ghe ra nhà hàng giữa sông để dự lớp học nấu ăn. Trước khi bắt tay vào thực hành, cả lớp phải đi chợ mua một số nguyên vật liệu, gia vị nấu ăn.
Chúng tôi học nấu nhiều món ăn dân dã địa phương, có cả danh mục thức ăn bằng tiếng Anh cho khách Tây tham khảo: bánh xèo, gỏi hải sản trong thuyền thơm, chả giò tươi, cà tím kho tộ, bánh ướt cuốn nhân tôm thịt, học cách trang trí món ăn bằng cà chua và dưa leo...
< Bánh đập bán rong trên hè phố, muốn ăn phải đập cái bốp vào tay rồi mới ăn.
Sau lớp học nấu món ăn địa phương, tôi có thêm hứng thú dạo phố cổ khám phá thêm nhiều món ăn dân dã khác.
Món ăn dân dã ở đây vừa quen vừa lạ. Có món chưa từng nếm qua bao giờ như món bánh đập, muốn ăn phải đập cái bốp vào tay rồi mới ăn, rất ngộ. Có món đã từng biết nhưng Hội An có cách làm rất riêng khiến du khách phải nhớ như món chè bắp trộn sương sáo đen rất ngon bày bán ở gần Chùa Cầu.
Mà không chỉ riêng chè bắp, món chè nào của Hội An cũng trộn kèm sương sáo đen. Cả món chè hạt sen cũng được trộn với sương sáo, sương sa, nước đường nhìn rất hấp dẫn.
< Nước chè đậu ván dọn ra trong những chiếc cố bằng gáo dừa bày trên mẹt tre đậm chất dân dã.
Riêng tàu hũ bán rong trên đường phố ở phố cổ lại không ăn kèm nước cốt dừa. Món chí mà phủ (chè mè đen) từng là hàng rong phổ biến ban đêm trên đường phố Sài Gòn xưa kia bây giờ phải vào khu phố người Hoa trong Chợ Lớn mới có, còn ở Hội An vẫn được bán rong ngoài hè phố.
Thức uống của người phố cổ còn có nước chè đậu ván uống thay trà, mùi vị đặc biệt và rất mát. Nhất là cách dọn nước chè đậu ván trong một chiếc cốc gáo dừa bày trên tấm mẹt tre đậm chất dân dã, như đưa hồn du khách trở về cố hương...
< Món bánh vạc nổi tiếng ở Hội An với nhân tôm thịt, ăn kèm nước mắm trong veo.
Món bánh bao, bánh vạc nổi tiếng bày bán trong nhà cổ Quân Thắng ở Hội An ăn kèm nước chấm trong veo. Còn món hoành thánh nước kiểu Hội An cũng rất khác biệt. Lá hoành thánh bột mì để nguyên không cuốn thịt, thịt xá xíu xắt lát, thịt heo bằm nhuyễn vo viên trộn gia vị, bóp dẹp cho vào tô, thưởng thức thấy mùi vị cũng khá đặc biệt.
Riêng bánh khoai lang nướng là món đặc biệt tôi mới thấy lần đầu. Công thức bánh toàn nguyên liệu dân dã dễ kiếm: khoai lang nấu chín, tán nhuyễn, đậu xanh hấp chín, dừa cạo thành sợi, trộn lẫn chút đường và muối vào, nhồi vào khuôn, ép dẹp, rồi nướng trên than hồng 2 phút là thành món bánh khoai lang nướng thơm lừng, béo ngậy.
Và có một món đặc biệt chỉ ở Hội An mới có nhưng ít ai biết để tìm mà thưởng thức, đó là cháo cá cu. Cháo thật ngon và béo, nấu với đậu xanh, thêm ít rau ngò tươi, tiêu bột, thêm tí bia là hết ý. Đặc biệt, gỏi sứa ăn với bánh tráng giòn và nước chấm mắm ruốc Hội An. Sứa tươi rói ăn dai dai giòn giòn, trộn với nhiều loại gia vị đặc trưng của phố cổ mang lại hương vị ngon tuyệt.
.
< Bánh khoai lang vừa ép khuôn, chuẩn bị nướng trên bếp than hồng.
Ngồi ven sông Thu Bồn hoặc ven biển ăn mấy món này mới thấm hết mùi vị độc đáo của sản vật địa phương.
Một tuần dạo phố cổ thưởng thức ẩm thực dân dã, học nấu ăn món địa phương, thăm thú làng nghề... đối với tôi vẫn chỉ như bóng câu qua cửa. Vẫn thèm được trở về phố cổ ngồi bên sông Thu Bồn trong buổi hoàng hôn tím, ngắm chiều buông và đắm chìm trong hương vị ẩm thực đậm đà...
Du lịch, GO! - Theo Đặng Đẹp (TTO)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét