So với miền Bắc thì không khí phượt ở miền Trung hơi trầm lắng. Do nhiều nguyên nhân khác nhau: núi rừng miền Trung toàn rừng rậm, không có các cung đường ngoằn nghèo trắc trở hoặc những con đèo như thể vút lên trời xanh…
Theo mình còn một lý do rất quan trọng, dân đam mê mạo hiểm xứ con đất ốm o gầy mòn này không có sẵn “đường mòn” để mà dấn bước. Tức, đi đâu? Đến đó có cái gì? Dẫu biết phượt là chinh phục, là khám phá. Nhưng không biết ta khám phá cái gì thì chinh phục chỉ là ngồi lên xe mà chạy. Thật đơn điệu.
Mình xin giới thiệu một nơi để ai ở Đà Nẵng có ý định thử sức với bộ môn này tham khảo. Huyện miền núi Đông Giang được ví như bài học vỡ lòng cho đệ tử phượt xứ Đà Thành.
Bởi nó chỉ cách Đà Nẵng hơn 100km theo hướng tỉnh lộ ĐT604. Vượt qua con dốc Kiền ngoằng ngèo, Đông Giang hiện ra trước mắt ta là những cánh rừng nửa nguyên sơ bạt ngàn, tít tắp. Với mình, Đông Giang có những điều hấp dẫn cù rủ bước chân du khách lãng du.
Đông Giang có nông trường Quyết Thắng với những đồi chè thoai thoải rộng miên man ngắm lút tầm nhìn. Ở đây không chỉ có chè mà còn những “truyền thuyết” nửa thực nửa hư rất thú vị về người lãnh đạo cao nhất thành phố. Với những ai thích tìm hiểu thông tin, muốn hiểu về con người mà kẻ yêu nhiều, kẻ ghét cũng không ít ấy thì hãy tìm hiểu nhé. Hấp dẫn lắm đấy, cứ coi như một món ăn khai vị trên bàn tiệc mang tên Đông Giang.
Đông Giang có ngôi mộ gỗ - nét văn hóa vô cùng độc đáo của người đồng bào Cơ tu. Ngôi mộ nhỏ nằm khuất sau bụi cây ở ven đường. Người con trai hiếu thảo không quản khó khăn, tỉ mỉ đục đẽo, chạm khắc để xây “nhà” cho người cha đã khuất. Trong mộ có đầy đủ vật dụng cho người về thế giới bên kia như chén, đũa, mâm, bát, gùi đi núi… Đặc biệt nhất là huyệt mộ mới lấp một phần hai.
Người Cơ tu quan niệm, vợ chồng phải luôn sống với nhau dù ở dương gian hay về cõi vĩnh hằng. Nửa huyệt mộ còn lại là nơi an nghĩ của người vợ vào một ngày nào đó. Ngôi mộ không chỉ là văn hóa tâm linh độc đáo của người Cơ tu mà là lời răn dạy về đạo nghĩ vợ chồng, về chữ hiếu thiêng liêng.
Đông Giang có món rượu Tà Vạt (có nơi gọi là Tà Vạc) và ông già Gói – người giữ men say cho đồng bào Cơ tu. Đến Đông Giang mà chưa từng thử rượu Tà Vạt thì coi như chưa đến. Uống rượu Tà Vạt mà không hầu già Gói, nghe già kể về quá trình chế biến món rượu đặc biệt này thì Tà Vạt cũng chỉ là thứ nước chua chua thơm thơm nồng nồng mà thôi.
Già Gói ở thôn Ba Liên, xã A-ting, ngôi nhà nằm sâu trong một con đường đất nhỏ, loanh co. Nếu đi đường, tình cờ bạn thấy một ông già râu tóc bạc phơ, cười mỉm mỉm, vai đeo ống hồ lô to tướng dài ngoằng; đích thị đó là già Gói. Đừng bỏ lỡ cơ hội tiếp chuyện và tiếp rượu với cây men sống của núi rừng Quảng Nam nhé.
Đông Giang có nếp đen – một loại gạo nhưng không hiểu sao người ta gọi là nếp. So với bao anh em đồng môn nền văn minh lúa nước, thì nếp đen như một đứa con nuôi, tình cảm nhưng khác giống loài.
Người Cơ tu trồng nếp đen trên những sườn núi dốc đứng. Không cày, không bừa, không gieo, không sạ, không dặm, không lấy nước, trổ nước. Mà gieo trực tiếp, sương rừng, mụn than chính là nguồn sống cây.
Có lẽ vì vậy mà nếp đen có mùi vị rất khác lạ, thoang thoảng thơm, ngăm đen, ngọt bùi chân thật như chính tính cách người dân nơi đây. Bạn đã bao giờ thưởng thức loại nếp đặc biệt này chưa? Nếu chưa thì còn chần chừ gì nữa. Đừng bỏ lỡ cơ hội nhé, tháng 4, những “rừng” nếp đen ngã nghiêng trong gió, ve vút cảm xúc kẻ lạc đường.
Với mình, Đông Giang tuy gần đó nhưng thật xa, xa bởi những nếp văn hóa, xa bởi thói quen sinh hoạt, xa bởi ánh mắt đăm đăm vừa hồn nhiên vừa buồn thẳm của những đứa trẻ người Cơ tu.
Một lần đến Đông Giang
Du lịch, GO! - Theo Bi Kính Lúp (Nguoiduatin), internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét