Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Xã đảo Nghi Sơn

Từ thị trấn Tĩnh Gia (nằm trên Quốc lộ 1A) bạn có thể đi một giờ “xe ôm” hoặc xe đò ra tận xã đảo Nghi Sơn mà trên bản đồ địa lý Việt Nam ghi là cù lao Bãi Biện hay Biện Sơn.

Hòn đảo này (có lẽ là bán đảo thì đúng hơn) như một cánh tay khổng lồ chìa ra biển, ôm gọn trong lòng nó một vụng nước với độ sâu thích hợp làm nơi cho tàu thuyền ẩn náu mỗi khi bão gió.

Nghi Sơn cách Sầm Sơn 40km đường biển, cùng nằm trên một vỹ độ nhưng khí hậu mùa hè trong lành mát mẻ hơn nhiều. Có thể bạn vừa trải qua một chặng đường xe cộ vất vả nhưng đến Nghi Sơn, đứng trên đỉnh đảo có độ cao trên 100 mét so với mặt nước biển, bạn sẽ thấy những giọt nước li ti như màn sương mỏng đang phả vào mơn man da thịt, gây ra cảm giác sảng khoái.

Ở Nghi Sơn, bạn có thể lên núi Ngọc, thăm khu thành cổ như thành Đồn, thành Hươu, thành Ngọc. Trong khu thành cổ này, người ta đã phát hiện ra những mũi tên đồng, những mảnh gốm vỡ có tuổi thọ từ rất xưa. Dưới chân núi Ngọc, hãy còn giếng Ngọc, ghi dấu ấn một thiên bi tình sử thời Âu Lạc.

Tương truyền khi An Dương Vương cùng con gái bị Triệu Đà đuổi đến đây, được thần Kim Quy hiện lên mách bảo, ông đã quay lại chém Mỵ Châu rồi rẽ nước đi ra biển. Trọng Thuỷ đến giếng Ngọc biết rõ sự tình, bèn nhảy xuống giếng tự tử. Máu Mỵ Châu hoà vào nước biển, trai biển nào ăn được biến thành ngọc trai. Ngọc trai mò được ở vùng biển này, chỉ có rửa nước giếng Ngọc mới trong sáng. Thành Ngọc vẫn còn lại vòm cổng và hai khẩu súng thần công đặt ở đây từ vương triều Nguyễn do một viên chánh lãnh binh và một toán lính tráng trông coi.

Ngoài ra, ở đây còn có đền thờ Trần Quý Phi (còn gọi đền Vua Bà hay đền Rắn). Trần Quý Phi là vợ Long Vương. Bà là nhân thần, bảo hộ, che chở cho ngư dân trên cù lao Bãi Biện vượt sống gió trùng khơi, mang về những khoang cá đầy, tạo dựng cuộc sống bình yên giữa mênh mang trời biển luôn luôn ẩn chứa những tai hoạ.

Năm 1789, Nguyễn Huệ lấy Biện Sơn làm căn cứ hải quân hợp cùng các đạo quân trên bộ thần tốc kéo ra Thăng long. Lúc cất quân nhà Vua đã đến đền thờ Trần Quý Phi khẩn cầu mong được phù hộ. Đại thắng quân Thanh, nhà vua đã quay lại tạ thần. Hoàng đế Khải Định sắc phong bà làm Thượng đẳng thần tối linh. Ngày 22 tháng 4 âm lịch hàng năm, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao Trần Quý Phi.



Về với xã đảo Nghi Sơn hôm nay, ta dễ dàng thấy được những đổi thay trong cuộc sống của người dân nơi đây. Hầu hết các con đường trong xã đã được bê tông hóa, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, những con tàu nối đuôi nhau ra vào bến tấp nập, không khí sinh hoạt, buôn bán trên biển, dưới thuyền thật náo nhiệt.

Xã đảo tách biệt với các xã lân cận, nhân dân từ bao đời nay có nghề truyền thống khai thác đánh bắt và nuôi trồng hải sản, vì vậy kinh tế biển được Nghi Sơn xác định là mũi nhọn. Đảng bộ, chính quyền xã đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân được vay vốn  từ các chương trình, dự án, ngân hàng đầu tư đóng mới và cải hoán tàu thuyền, trang bị thêm ngư lưới cụ để vươn  khơi. Bán đảo có nhiều phong cảnh đẹp nhưng du lịch vẫn chỉ là tiềm năng chưa được phát huy.

Du lịch, GO! - Theo Tinthanhhoa và nhiều nguồn khác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét