Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Hà Nội kỳ nhân, kỳ sự (Kỳ 5) - Vỉa hè có từ bao giờ?

Vỉa hè Hà Nội đầu tiên được lát từ cuối năm 1885 ở phố Hàng Khảm (bao gồm Tràng Tiền, Hàng Khay ngày nay).
Đánh bại quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi và chuyển kinh đô vào Huế năm 1802. Từ đó, Thăng Long không những không còn là kinh đô mà bị giáng xuống trấn thành rồi tỉnh Hà Nội. Là tỉnh nên Hà Nội cũng như các tỉnh khác trong cả nước, không có xây mới hay cải tạo nên phố phường vẫn như thời vua Lê - chúa Trịnh.

Dù các phố nằm trong phường nghề vẫn buôn bán tấp nập nhưng rất hẹp, cửa hàng với các tấm phên che nắng, che mưa lấn ra cả đường đi. Vào ngày mưa, nước chậm tiêu nên hai bên rãnh thoát bùn sâu tới mấy chục cen ti mét. Mỗi khi có ngựa xe qua, người đi chợ phải dạt sang hai bên, đứng dưới bùn nhão nhoét.

< Phố Hàng Khảm xưa (nay là Tràng Tiền).

Chỉ có vài phố Hoa kiều như Phúc Kiến (nay là Lãn Ông), quân Cờ Đen (nay là Mã Mây), Hàng Ngang thì đường được lát gạch sạch sẽ. Không có biển tên phố, không có số nhà đã gây khó khăn cho quản lý dân và ngăn cản nạn cướp phá của quân Cờ Đen. Năm 1883, viên Cảnh sát trưởng Hà Nội bàn bạc với Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ cho lấy gạch ngói vỡ rải ra một số con đường.

Cũng trong năm này, công sứ đầu tiên ở Hà Nội là Bonnal đã bắt đầu thực hiện chính sách cải tạo và xây dựng Hà Nội. Việc đầu tiên là cho quy hoạch khu vực hồ Gươm, làm đường quanh hồ, mở rộng đường từ khu nhượng địa Đồn Thủy đến thành. Cuối năm 1885, chính quyền khánh thành đường Hàng Khảm (bao gồm Tràng Tiền, Hàng Khay ngày nay). Mặt đường mở rộng, hai bên vỉa hè cho lát gạch và trồng hai hàng phượng. Và vỉa hè Hàng Khảm là vỉa hè đầu tiên của Hà Nội theo kiểu của thành thị phương Tây.

Cùng với mở rộng đường ở phố Hàng Khảm, Bonnal còn cho xây cơ quan hành chính phía đông hồ Gươm như tòa đốc lý, bưu điện, kho bạc, Bắc Bộ phủ... nên các còn đường quanh khu vực này đều có vỉa hè và các công trình thoát nước.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông có dự án cải tạo lại các khu phố cổ, bắt buộc các nhà phải làm thẳng hàng có rãnh thoát nước, đánh số nhà. Tại các khu phố xây dựng theo kiểu Pháp gồm: Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Bà Triệu...

Từ năm 1897 đến năm 1901 người ta tiếp tục lát vỉa hè với loại gạch vuông rạch khía viền bờ bằng đá đẽo và đã lát được khoảng 5 km. Trong kế hoạch cải tạo, Hội đồng thành phố cũng đã biểu quyết lấy từ ngân sách để tiếp tục lát vỉa hè ở những phố lớn khu trung tâm. Sau khi xây dựng nhà hàng Godard, ba phía của nhà hàng này là Hàng Khảm (Tràng Tiền ngày nay), Đồng Khánh (Hàng Bài ngày nay) và Hai Bà Trưng có vỉa hè rất rộng. Trước ba cổng ra vào trung tâm thương mại này có dòng chữ Khu vực cấm để xe đạp bằng chữ Pháp gắn chìm vào vỉa hè.

Mới chỉ có vỉa hè phố Hàng Khảm và quanh hồ Gươm nhưng ngày 20.12.1889, Đốc lý Landes đã ký một nghị định cho thuê vỉa hè vĩnh viễn để bán hàng và bán cà phê trong giới hạn của thành phố với mức thu 40 xu/m2 trong một năm. Thế nên năm 2008, khách sạn Métropole xin phép chính quyền bán cà phê trên vỉa hè phố Ngô Quyền và Lê Phụng Hiểu đã đưa ra lý do: đầu thế kỷ 20, họ thuê vỉa hè ở hai phố này để bán cà phê rồi.

Năm 1902, khi Hà Nội trở thành thủ đô của liên bang Đông Dương thì các quy định càng chặt chẽ hơn. Các phố mới mà ngày nay là phố Lê Hồng Phong, Điện Biên Phủ, Khúc Hạo, Phan Đình Phùng, Lý Nam Đế, Chu Văn An... với hàng loạt biệt thự sang trọng có vỉa hè rất rộng, đặc biệt là phố Phan Đình Phùng có hai hàng cây xanh. Từ đó các phố mới xây, hay các phố khu vực “36 phố phường” khi cải tạo đều phải có vỉa hè đúng như quy hoạch.

Từ năm 1954, năm tiếp quản thủ đô cho đến 1975, hầu như không có sự thay đổi trong vỉa hè, những chỗ bị hư hỏng được lát bằng gạch đỏ mà dân quen gọi là gạch lá dừa. Gạch đỏ này nung ở nhiệt độ cao nên cứng gần như sứ. Vỉa hè không chỉ dành cho người đi bộ mà thời bao cấp còn là nơi đặt bếp nấu bánh chưng tết, các vòi nước công cộng trở thành chỗ rửa rau vo gạo, chỗ tắm khi nước sạch chảy ri ri không chảy nổi vào nhà.

Nếu trước 1954, vỉa hè chỉ là nơi kinh doanh khi chính quyền cấp phép thì thời bao cấp và đặc biệt là từ năm 1989 đến 1991, vỉa hè đúng nghĩa là nơi kiếm sống, đông đúc như Kẻ chợ xưa. Sở dĩ như vậy là khi chuyển đổi cơ chế, nhiều nhà máy, xí nghiệp không bắt kịp đổi mới dẫn đến cán bộ công nhân không có việc nên không có lương. Để giải quyết thực trạng đó, nhà nước ra nghị định 176, nôm na là "về hưu non một cục". Số cán bộ công nhân về chế độ 176 đông vô kể và để tiếp tục sống, những người không có cửa hàng, ít tiền chỉ còn cách lao ra vỉa hè.

Đầu đường thượng tá bơm xe
Giữa đường trung tá bán chè đậu đen...

Sáng ra là chỗ các bà, các chị ở Hoàng Mai bán xôi xéo, xôi ngô, chị em làng Thanh Trì bán bánh cuốn Thanh Trì. Vỉa hè thích hợp với hai thứ quà sáng bình dân này. Rồi phở gánh, bún mọc. Hết quà sáng là đến rau, quả và quà vặt. Trưa là chè, rượu nếp và mùa hè bán cháo đậu xanh, cháo hoa, chiều lại đến bán rau, quả, thịt thà, đậu phụ hay bia hơi. Chợ vỉa hè tiện cho mỗi người vì không phải gửi xe chỉ ghé vào là mua và không phải đóng thuế nên cũng rẻ hơn đôi chút so với các chợ có tên tuổi. Thời bao cấp dân gian có thơ:

... Hàng Bè chợ của thương nhân
Vỉa hè chợ của nhân dân anh hùng

“Khi tôi đến Hà Nội vào tháng 3.1897 thì khu phố của người An Nam với những cửa hàng lấn ra đến tận đường, phố xã không có vỉa hè và chen chúc những người và người. Đó chính là những thứ đích thực của Hà Nội”, công sứ đầu tiên ở Hà Nội Bonnal, trích cuốn Xứ Đông Pháp và những kỷ niệm (L'Indochine Francaise souvenirs, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer nhiệm kỳ 1897-1901; Trích Đi dọc Hà Nội, Chibooks)

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7 - Kỳ 8 - Kỳ 9 - Kỳ 10 - Kỳ 11 - Kỳ 12

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Ngọc Tiến (Thanhnien), internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét