Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Bí kíp độc hành xuyên hành tinh

Chuyện một năm trước:
Đang có làn sóng độc hành ra thế giới của nhiều bạn trẻ Việt Nam để có cái nhìn rộng hơn, trưởng thành hơn qua mỗi bước đi.

< Trước thác Victoria, biên giới giữa Zambia và Zimbabwe.

Người trẻ Độc hành

Túi không tiền, nhưng Huyền Chip đang trên đường độc hành xuyên hành tinh. Hành trang Go Global của cô gái tuổi 20 ngoài đồ dùng cá nhân chỉ có vốn tiếng Anh, lòng quyết tâm và vốn sống.
Trước khi lên đường, Huyền chia sẻ rằng bạn tìm thấy niềm vui khi đi tìm cái mới, vốn sống sẽ giàu lên từng ngày và để hoàn thành cuốn Lonely Planet dành riêng cho người Việt.

< Huyền Chip và các em bé tại Ấn Độ.

Huyền chưa học ĐH, tìm hiểu thế giới và xu hướng phát triển là một trong những mục đích của cô trong chuyến du hành này. Huyền nói: “Phải biết thế giới đang cần gì và mình nên học gì”.

Rời Việt Nam giữa tháng 5 - 2010, Huyền đi Brunei, Thái Lan, Malaysia, Myanama và dừng ở Ấn Độ 2 tháng. Khó khăn chồng chất khi đến Ấn Độ, tiền hết, những cam kết hỗ trợ trước đây giờ bay theo gió, cô gái đơn phương đối diện vô số hiểm nguy.

Không bằng cấp, không quen biết, không nói được tiếng bản địa, lại là thân gái và visa du lịch sắp hết hạn. Hơn 1 tháng lăn lộn tìm việc ở Mumbai, cô làm đủ nghề từ bồi bàn, lễ tân, viết thuê cho Cty truyền thông bản địa tới diễn viên trong phim quảng cáo, viết báo gửi về Việt Nam... để có tiền sống qua ngày và tiếp tục khát vọng độc hành.

Khó khăn cũng qua, cuối tháng 11, Huyền rời Ấn Độ sang Nepal tiếp tục hành trình khám phá quê hương của Phật giáo, chinh phục nóc nhà thế giới Himalaya. Tết này, theo kế hoạch Huyền sẽ ăn Tết ở Pakistan hoặc Iran.

< Vũ Lan Anh tại Peru.

Chuyến độc hành 8 tháng xuyên Nam Mỹ của cô gái trẻ Lan Anh (SN 1981) được cập nhật trên diễn đàn Ttvnol.com. Lan Anh nhận được nhiều sẻ chia, động viên của nhiều bạn trẻ. Vulann trở thành chuyên gia tư vấn cho những bạn có kế hoạch độc hành tới Nam Mỹ.

“Peru và Bolivia là những nước rẻ nhất Nam Mỹ, Bolivia còn rẻ hơn cả Peru. Cứ tính trung bình khoảng 10-15$ 1 ngày là ổn ở Bolivia”, Lan Anh viết.

Lan truyền

< Nguyễn Thụ Nhân tại Campuchia năm 2010.

Sau khi Tiền Phong đăng bài Cô gái Việt tuổi 20 độc hành quanh thế giới và Độc hành 8 tháng xuyên Nam Mỹ, cộng đồng mạng xôn xao, rồi tạo nên làn sóng phượt độc hành ra thế giới trong giới trẻ Việt.

Nguyễn Thụ Nhân (29 tuổi, Cty Máy tính chủ TPHCM) dự tính bắt đầu phượt từ tháng 4 năm 2011, qua các nước Đông Nam Á trước, rồi qua Ấn Độ, châu Úc, châu Âu.

< Huyền Chip và các bạn trẻ tại Kim Tự Tháp (Ai Cập).

“Tôi đang lên lịch trình cụ thể và tham khảo ý kiến của bạn bè về cung đường đi. Tôi sẽ dành khoảng 25.000 USD cho chuyến độc hành vòng quanh thế giới lần này, việc quan trọng bây giờ là rèn luyện khả năng nói tiếng Anh”, Nhân chia sẻ. Nói về xu hướng phượt độc hành trong giới trẻ thời gian gần đây, Nhân cho rằng nó đang lan truyền với tốc độ mạnh.

Các trang web couchsurfing.com, lonelyplanet.com/thorntree/index.jspa là địa chỉ quen thuộc dân phượt độc hành thế giới, nơi họ tìm kinh nghiệm, địa điểm di chuyển và trợ giúp của dân phượt trên khắp thế giới.

< Mỗi nước Huyền đặt chân đến, cô đều tìm cách đến thăm ít nhất một trại trẻ mồ côi.

Vậy nhưng hiện tại:

Bí kíp độc hành xuyên hành tinh

Tròn một năm kể từ khi cô gái 20 tuổi Nguyễn Thị Khánh Huyền bắt đầu độc hành xuyên hành tinh. Bước chân của Huyền khởi đầu cho trào lưu mới trong giới trẻ Việt: Khát khao vươn ra thế giới, đi và trải nghiệm.

Trò chuyện với nhiều bạn trẻ Việt Nam, tôi nhận ra phần lớn mong muốn được du hành khắp thế giới, nhưng e ngại bởi đủ lý do. Tôi thừa nhận trước khi khởi hành từng lo lắng như vậy.

Điều kiện của tôi trước khi đi còn tệ hơn nhiều bạn trẻ, lúc đó tôi mới 20 tuổi, chưa vào đại học, chưa kiếm được nhiều tiền, gia đình cũng thường thường bậc trung… Nhưng sau một năm độc hành trong kế hoạch xuyên hành tinh, tôi nhận ra hầu hết lo lắng trên đều vô nghĩa.

Phải có thật nhiều tiền?

Mọi người thường nghĩ tôi phải giàu lắm, nhưng không phải vậy. Nếu di chuyển bằng máy bay, ở khách sạn, ăn nhà hàng thường tiêu tốn nhiều, nhưng nếu bạn đi như tôi thường khá rẻ.

Những trang web như Hospitality Club (http://www.hospitalityclub.org/), CouchSurfing (http://couchsurfing.com) cho phép dân đi bụi tìm chỗ ở miễn phí đồng thời gặp gỡ người địa phương ở khắp thế giới.

Ở nhiều nước, nhất là ở châu Á như Thái Lan, Nepal, Ấn Độ, Myanmar, ... bạn có thể dễ dàng tìm nhà nghỉ với giá chỉ khoảng 3 - 5 USD/đêm. Đi tàu, xe buýt cũng không đắt. 20% dân số thế giới sống dưới mức 1,25 USD một này, nên bạn cứ yên tâm ở đâu cũng có đồ ăn uống hợp túi tiền.

Ngân sách 10 USD/ngày là hoàn toàn khả thi. Trong tháng đầu tiên ở Ấn Độ, tôi chỉ tiêu hết 150 USD. Tôi gặp hai người Pháp đi bộ khắp châu Phi với chi phí là 1,5 Euro/người/ngày trong suốt 2 năm.

Không tin người lạ?

< Huyền cùng nhóm bạn cắm trại qua đêm sau chuyến đi xe máy vòng quanh Nepal. Trong hai năm trời rong ruổi, cô đã có rất nhiều bạn thân.

Mỗi lần gọi điện về nhà, mẹ tôi hay dặn: “Con gái lang thang thế, đừng tin người lạ con nhé.” Câu nói này khiến tôi bật cười, đi suốt ngày nếu tôi không tin người lạ thì tin ai? Sự thật là ở đâu cũng có người tốt người xấu và phần lớn mọi người đều không xấu vì được dạy để làm điều tốt từ nhỏ.

< Cùng với bạn bè tại Lễ hội Lag BaOmer, Israel.

Tôi đi xe buýt đến Sikkim (Ấn Độ) lúc nửa đêm. Mọi người trên xe buýt hỏi đêm nay ngủ ở đâu, tôi trả lời là đến Sikkim sẽ tìm nhà nghỉ. Mọi người lo cuống lên, bảo Sikkim không như ở thành phố, đêm rất vắng vẻ, không có khách sạn nhà hàng nào mở cửa.

Một anh trên xe mời tôi về nhà. Tôi cũng hơi sợ, nhưng không còn lựa chọn nào khác nên đành nhận lời. Tôi ở nhà anh đến ... một tuần. Gia đình anh hết sức nhiệt tình giúp đỡ tôi trong suốt thời gian tôi ở đây. Mẹ anh nấu cơm cho tôi ăn, còn tặng tôi bộ váy áo truyền thống Sikkim khi tôi lên đường. Bố anh đưa tôi đến đám cưới hoàng gia Sikkim và còn tạo điều kiện cho tôi gặp những nhân vật quan trọng.

Cần bạn đồng hành?

Nhiều người e dè chưa muốn đi vì thiếu bạn đồng hành. Tôi không phủ nhận đi một mình có nhiều bất tiện như phần lớn phòng khách sạn đều là phòng đôi, nếu ở một mình vẫn phải trả giá cho hai người. Mặt trái là khi đi với bạn, hầu hết thời gian sẽ phải dành cho người bạn đấy mà không có thời gian làm quen với dân bản địa hay những người đi bụi khác. Khi đi với bạn, mọi quyết định đều của hai người, bạn không được thoải mái đi và làm.

Đi một mình có thể khiến bạn cảm giác dễ gặp nguy hiểm hơn, nhưng lại khiến người khác dễ cảm thông và giúp đỡ bạn hơn. Lợi thế một người sẽ có tác dụng rõ ràng hơn rất nhiều nếu bạn muốn ở nhờ hay đi nhờ xe (hitch-hiking). Qua những vùng nguy hiểm không muốn đi một mình, bạn có thể dễ dàng đến những nơi tập trung dân đi bụi hay lên các diễn đàn du lịch tìm kiếm bạn đồng hành cho một hai tuần rồi đường ai nấy đi.

Không xin được visa?

Xin visa với hộ chiếu Việt Nam đúng là không dễ, nhưng cũng không khó như mọi người tưởng. Bằng chứng là tôi đã lấy được visa Myanmar, Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Ai Cập và Israel mà không hề có chứng minh tài chính, vé máy bay khứ hồi hay đặt phòng khách sạn.

Tôi cũng khá tự tin về khả năng lấy được visa cho các nước châu Phi. Nếu không có điều kiện xin tại nước nhà mà phải xin ở nước bạn đang cư trú, bạn cần tìm hiểu chính sách visa của nước muốn đến. Nhiều nước có chính sách visa rất linh hoạt.

< Câu cá ở Lamu, Kenya.

Bạn cũng nên tìm hiểu nơi nào xin visa là dễ nhất. Ví dụ, xin visa vào Sudan nổi tiếng là khó và lâu, nhưng nếu xin ở Aswan, Ai Cập thì rất dễ, có khi chỉ cần một ngày. Một mẹo nhỏ khi xin visa là sự kiên trì. Ngay cả khi bạn bị từ chối visa, trong nhiều trường hợp vẫn có thể tiếp tục đến Đại sứ quán “năn nỉ”.

Rào cản ngôn ngữ?

Nhiều người lo đi rồi không biết giao tiếp với người khác thế nào. May mắn thay, nhiều bạn trẻ ở khắp nơi trên thế giới đều có thể giao tiếp bằng tiếng Anh và có thể hiểu những cụm từ đơn giản bằng tiếng Anh như: đúng, sai, xe buýt, sân bay, khách sạn, nhà vệ sinh, ...

< Huyền trên dãy Himalaya.

Đến một nơi nào đó, bạn cố gắng học được khoảng vài chục cụm từ thông dụng là có thể đủ để giao tiếp khi cần giúp đỡ. Nhưng bắt buộc phải học tiếng Anh, không có lựa chọn nào khác.

Phải nhiều kinh nghiệm?

Suy nghĩ này giống như kiểu Phải học giỏi mới đi học được, trong khi sự thật là phải đi học mới học giỏi được. Ai cũng có giai đoạn bắt đầu. Nếu bạn sợ mình không đủ sức cho chuyến đi xa và dài, bạn có thể bắt đầu với những chuyến đi nhỏ, ví dụ đi xuyên Việt trong 2 tuần, hay đi vòng quanh Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) trong 1 tháng. Bạn có thể tranh thủ học hỏi từ dân đi bụi bạn gặp trên đường và từ chính những chuyến đi của mình.

Một vòng quanh thế giới của Huyền 'chip' (Từ tháng 5-2010 đến tháng 5-2012)
- Ngày 13-5 đến 15 - 5: Brunei
- Ngày 15-5 đến 11-6: Malaysia
- Ngày 11-6 đến 12-6: Singapore
- Ngày 12-6 đến 15-6: TP. HCM (Việt Nam)
- Ngày 15-6 đến 4-7: Hà Nội và Nam Định (Việt Nam)
- Ngày 4-7 đến 18-7: Chiang Mai, Thái Lan (Tham gia hội thảo Sản xuất Media, Đông Nam Á)
- Ngày 18-7 đến 27-7: Myanmar
- Ngày 29-7 đến 4-8: Kolkata (Ấn Độ )

- Ngày 4-8 đến 14-8: Bangladesh
- Ngày 14-8 đến 30-10: Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka
- 30-10 đến 7-11: Pakistan
- Ngày 7-11 đến 12-11: Iran
- Ngày 12-11 đến 30-11: Thổ Nhĩ Kỳ
- Ngày 30-11-2010 đến tháng 3-2011: Châu Âu
- Tháng 3-2011 đến tháng 9-2011: Châu Phi
- Tháng 9 - 2011 đến tháng 3-2012: Nam Mỹ
- Tháng 3-2012 đến tháng 5-2012: Trung Mỹ và Bắc Mỹ.


Du lịch, GO! - Theo Huyền Chip (Tiền Phong), ảnh internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét