Thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân-Phú Yên) có 9 địa danh, bắt đầu từ chữ “hóc”. Mỗi “hóc” là một xóm nhà, dựa lưng vào vách núi, phía trước là cánh đồng mênh mông.
Qua lời kể của những người cao niên, chính địa hình “hóc” hiểm trở này mà cách mạng chọn để hoạt động thời chống Pháp và chống Mỹ.
Ông Lâm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3, cho hay: “Sau cuộc chiến tranh khốc liệt, xã có 176 gia đình liệt sĩ, 17 Mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng, trong đó thôn Thạnh Đức có tới 111 gia đình liệt sĩ, 12 Mẹ Việt Nam anh hùng, 10 mẹ có 3 con là liệt sĩ”.
Xóm Hóc Kè có khoảng 50 ngôi nhà nằm dưới chân quả đồi. Theo ông Trần Cao Thức (Bảy Út) năm nay đã 70 tuổi, hồi đó thế hệ của ông ai cũng thoát ly lên núi tham gia cách mạng. Tuổi trẻ đi khắp các chiến trường, riêng ông hoạt động ở vùng rừng núi Đồng Xuân, nhất là thôn Thạnh Đức này. “Xóm nhà chạy viền sát chân núi, tối tối bà con mang gạo, muối ra sau hè cất giấu trong gốc cây, khuya cách mạng từ trên núi xuống lấy”, ông Bảy Út kể.
Lớp người như ông Bảy Út bây giờ người mất, người còn. Người ngã xuống trong chiến tranh, người do tuổi già sức yếu, nhưng với ông họ là những người cách mạng kiên trung. Lão thành cách mạng Nguyễn Văn Phụng cho hay: “Thời chiến tranh, nam nữ trong thôn đều thoát ly làm cách mạng. Trong thôn còn lại người già, trẻ em bám trụ lại để sản xuất, đồng thời cũng là những cơ sở cách mạng kiên trung”.
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Đỗ năm nay đã 85 tuổi nhớ lại: “Hồi chiến tranh, ở đây mười nhà như chục ai cũng có công với cách mạng. Trẻ em sáng ra sau hè cắt tàu lá chuối hơ lửa cho mềm để gói cơm, dỡ theo trong một ngày đi chăn bò. Hai đứa ăn một gói cơm, còn một gói treo lên ngọn cây, cách mạng từ trên núi xuống lấy. Mỗi khi phát hiện địch càn, tụi nhỏ ra giữa đồng quơ củi, rơm rạ khô um khói mà báo động. Cách mạng ở trên núi nhìn thấy biết…”, mẹ Đỗ nói.
Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, đến nay người dân ở đây vẫn giữ làng nghề truyền thống đan rổ rá, cuộc sống đầy ắp nghĩa tình. Cánh đồng ăn sâu vào chân núi, vì thế xóm nhà từng hóc uốn lượn theo đường gấp khúc đẹp nên thơ.
Nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Đoàn Thị Sô ở Hóc Ống nhìn ra ra cánh đồng lúa. Mẹ Sô tâm sự: “Ban ngày nắng chói chang, tối đến gió ngoài đồng lùa vào mát rượi, mấy nhà xung quanh ngồi đan ky giỏ, rổ rá. Đan riết… mỏi, sẵn cái nong tre ngã trước sân, nằm nghỉ, ngủ quên không cần bật quạt”.
Đến thôn “9 hóc” người ta có thể cảm nhận được vẻ đẹp nên thơ của núi rừng, đồng lúa, vì phía trước xóm nhà còn có con rạch bàu uốn lượn như sợi chỉ nhỏ xuyên qua cánh đồng. Con rạch bàu chảy qua từng hóc được đặt tên khác nhau như Bàu Sen, Bàu Cụt, Bàu Chăm, hai bên bờ tre xanh mọc ken dày.
Dòng chảy con rạch bàu đã tạo thành một sợi dây vô hình, gắn kết tình thân ái giữa những người dân trong xóm với nhau. Kề bên rạch bàu có hòn Núi Một mọc lên giữa cánh đồng thật vững chãi, hiên ngang như ý chí bảo vệ quê hương đất nước của người dân thôn “9 hóc”.
Du lịch, GO! - Theo Mạnh Hoài Nam (Phú Yên Online)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét